Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở
Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Bởi khi hòa giải, các hòa giải viên bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực còn cần phải vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn các bên, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình để tự lựa chọn, dàn xếp ổn thỏa với nhau trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.
Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của công tác hòa giải ở cơ sở, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng đã ghi nhận hòa giải ở cơ sở là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, theo đó nhấn mạnh việc hướng mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở, lồng ghép với hòa giải ở cơ sở.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân thị xã An Khê đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, theo đó yêu cầu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã: Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định cấp trên đảm bảo trọng tâm, trọng điểm sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; tiếp tục tham mưu kiện toàn, nâng cao năng lực với sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên tuyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở.
Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ hòa giải đảm bảo số lượng và chất lượng để hoạt động. Tổng số tổ hòa giải hiện có trên địa bàn thị xã là 60 tổ với 389 hòa giải viên.
Trong năm 2021, các tổ hòa giải đã tiếp nhận được 86 vụ việc tranh chấp, xích mích trong khu dân cư, trong đó: hòa giải thành 61 vụ (22 vụ về dân sự, 36 vụ về đất đai, 03 vụ về môi trường) đạt tỷ lệ 70,93%; đang giải quyết 02 vụ. Thông qua hòa giải, các hòa giải viên kết hợp với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên trong quá trình tiến hành hòa giải. Đây là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những đối tượng khác có liên quan) với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định, gắn liền với từng tranh chấp, mâu thuẫn vi phạm pháp luật cụ thể… Hòa giải viên hoặc những người được hòa giải viên mời tham hòa giải là những người trực tiếp, giữ vai trò trung tâm. Nội dung pháp luật được các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác ghi nhận, tính chủ động phòng tránh tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự cao hơn hoặc nếu bất đắc dĩ tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm tương tự thì họ cũng chủ động hơn trong cách xử lý theo chiều hướng tích cực bởi họ nhận thức được hậu quả pháp lý xảy ra khi có hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua hòa giải, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước được chuyển tải đến người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc và sức lan tỏa rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở nhìn từ thực tiễn những năm qua vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần phải được nhìn nhận thấu đáo và có giải pháp khắc phục như: Trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên còn hạn chế; hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa trên uy tín, kinh nghiệm và kiến thức hiểu biết xã hội của hòa giải viên mà chưa dựa trên quy định của pháp luật; một số trường hợp do hòa giải viên không nắm vững các quy định của pháp luật nên vẫn tiến hành hòa giải những vụ việc không thuộc phạm vi hòa giải; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được hòa giải, hòa giải không kịp thời hoặc hòa giải không thành. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải ở cơ sở cũng như hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Để đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, theo tác giả ngoài việc hoàn thiện thể chế, các quy định của pháp luật thì cần thiết thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này trong đời sống xã hội, để mọi người dân biết và chủ động sử dụng phương pháp hòa giải ở cơ sở khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở - thực hiện quyền lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Hai là, nâng cao nguồn năng lực cho công tác hòa giải ở cơ sở. Đổi mới hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải trong đó có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở.
Ba là, thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên cơ sở bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuản theo quy định.
Bốn là, tiến hành rà soát các hương ước, quy ước, phong tục tập quán tiến bộ để hòa giải viên vận dụng trong quá trình hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 50 của thế kỷ trước: “Xét xử đúng người là tốt, nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn”, bên cạnh những giá trị vật chất xác định được thì hòa giải ở cơ sở còn mang lại những giá trị vô giá, là niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, gắn kết tình làng nghĩa xóm, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở cộng đồng. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thị xã An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung sẽ gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ hơn nữa./.
Mộng Điệp
Nguồn: https://pbgdpl.gialai.gov.vn/chuyen-trang/nghien-cuu-trao-doi/Nang-cao-hieu-qua-pho-bien,-giao-duc-phap-luat-tho